Phân loại điện và dây điện trong hệ thống điện: điện 1 pha 2 dây; 3 dây, điện 2 pha, điện 3 pha 3 dây; 4 dây; 5 dây. Điện xoay chiều, điện 1 chiều, dây pha, dây trung tính, dây tiếp địa PE…
Phân loại dây điện
Nguồn điện cung cấp gồm có 3 loại chính ( ở đây có thể là dây – cable – hoặc đầu cực nhé) là dây pha “L” (dây nóng hoặc dây lửa…), dây trung tính “N” ( dây lạnh hoặc dây mát…) và dây tiếp địa “PE” ( dây bảo vệ…).
Dây pha là gì?
Dây pha (dây nóng hoặc dây lửa…) thường kí hiệu là “L” chỉ có ở điện xoay chiều (không tồn tại ở điện 1 chiều). Để kiểm tra dây pha, bạn sử dụng bút thử điện nếu đèn báo của bút thử điện sáng thì đó là dây pha.
Lưu ý: Đôi khi trong thực tế xảy ra trường hợp dây pha và dây trung tính đều sáng đèn bút thử điện do nhiều nguyên nhân khác nhau! Bạn cần lưu ý và kiểm tra cẩn thận để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Dây trung tính là gì?
Dây trung tính ( dây lạnh hoặc dây mát…) thường kí hiệu là “N” chỉ có ở điện xoay chiều (không tồn tại ở điện 1 chiều). Trên lý thuyết dây trung tính có cùng điện thế với đất nên không gây điện giật khi chạm phải dây này, tuy nhiên thực tế có thể khác do nhiều nguyên nhân trong đó có việc truyền tải mất cân bằng pha.
Dây tiếp địa là gì?
Dây tiếp địa ( dây bảo vệ…) thường kí hiệu là “PE” là dây nối đất vỏ thiết bị điện bảo vệ an toàn cho con người. Dây tiếp địa mang dòng điện sinh ra vì bất cứ lý do gì trên bề mặt thiết bị tiêu thụ điện xuống đất, để người sử dụng không trực tiếp bị điện giật.
Nếu không nối đất, giả sử nếu bạn vô tình chạm phải vỏ thiết bị rò điện thì dòng điện sẽ đi trực tiếp qua cơ thể người rất nguy hiểm. Nếu thiết bị được nối đất, điện trở nối đất lớn hơn rất nhiều so với điện trở người nên làm giảm nguy hiểm do điện giật. Để hiểu hơn bạn có thể tham khảo bài viết: An toàn điện!
Để nhận biết dây tiếp địa, bạn có thể chú ý đến màu sắc dây. Thông thường dây tiếp địa có màu vàng – xanh, tuy nhiên vẫn có những đơn vị sử dụng loại dây màu khác.
Nguyên nhân rò rỉ điện:
- Dây nóng tiếp xúc với vỏ kim loại do lỗi kỹ thuật hoặc do tác động môi trường như độ ẩm cao, bụi bẩn …
- Cảm ứng điện từ gây ra trên vỏ kim loại bởi lỗi thiết kế…
Phân loại điện
Điện một chiều và điện xoay chiều
Để tìm hiểu điện 1 chiều là gì? và điện xoay chiều là gì? bạn có thể tham khảo: Mục 4 – Bài viết kiến thức về dòng điện và điện áp!
Điện 1 pha là gì?
Điện 1 pha gồm 2 loại chính: điện 1 pha 2 dây và điện 1 pha 3 dây.
Điện 1 pha 2 dây
Điện 1 pha 2 dây là nguồn điện xoay chiều gồm có 1 dây pha và 1 dây trung tính (còn được gọi là 1 dây nóng và 1 dây nguội). Đây là nguồn điện cho nhà ở thông dụng nhất tại Việt Nam hiện nay.
Điện áp nguồn điện 1 pha là 220 VAC, tần số 50 Hz (điện áp xoay chiều tại Việt Nam). Ở các khu vực khác nhau sẽ sử dụng quy chuẩn cho nguồn điện 1 pha khác nhau ví dụ: 100 VAC, 110 VAC…tần số 50 Hz hoặc 60 Hz…
Nguồn điện 1 pha thường có dòng nhỏ (khoảng 125 A đổ lại ), sở dĩ dòng điện 1 pha nhỏ vì quy mô sử dụng cho điện 1 pha thường là các hộ gia đình, đối với điện 1 pha trong các công trình lớn thường là điện 3 pha tách 1 pha ( xuống phần điện 3 pha mình sẽ làm rõ hơn).
Điện 1 pha 3 dây
Điện 1 pha 3 dây là nguồn điện xoay chiều gồm có 1 dây pha L (dây nóng) 1 dây trung tính N (dây lạnh – dây nguội) và 1 dây nối đất PE (còn được gọi là dây bảo vệ hoặc dây tiếp địa ). Ở Việt Nam 1 vài năm trở lại đây nguồn điện này bắt đầu được áp dụng ở các tòa nhà cao tầng, biệt thự, khách sạn… các nhà máy xí nghiệp, công trình sử dụng nhiều máy móc, động cơ…
Các thông số điện 1 pha 3 dây tương tự điện 1 pha 2 dây.
Điện 2 pha là gì?
Điện 2 pha là nguồn điện xoay chiều gồm 2 dây pha. Theo quy ước của ngành điện, số pha sẽ được tính bằng với số dây pha. Trước đây khái niệm này rất ít bắt gặp nhưng ngày nay nó đã dần trở nên phổ biến hơn.
Khái niệm điện 2 pha xuất hiện khi có sự xuất hiện của dòng sản phẩm ổn áp 2 dây pha. Về nguyên lý, dòng ổn áp này sử dụng 2 dây pha bất kì đấu vào đầu vào (input) và lấy ra được điện 1 pha ở đầu ra (output).
Bản chất của điện 2 pha là tách 2 dây pha từ nguồn điện 3 pha nên điện áp vẫn là 380 VAC – 50 Hz ( đối với nguồn lưới điện ở Việt Nam)
Điện 3 pha là gì?
Điện 3 pha 3 dây
Điện 3 pha 3 dây là nguồn điện xoay chiều gồm 3 dây pha ( thường kí hiệu là L1, L2, L3 hoặc a, b,c …), loại này được sử dụng cho động cơ 3 pha đấu tam giác (không cần dây trung tính – hay trung tính nối đất).
Điện 3 pha 4 dây
Điện 3 pha 4 dây là nguồn điện xoay chiều gồm 3 dây pha ( thường kí hiệu là L1, L2, L3 hoặc a, b,c …) và 1 dây trung tính, loại này được sử dụng cho thiết bị điện 3 pha ( trong đó có động cơ 3 pha đấu sao ).
Trong các công trình lớn loại này được sử dụng rất nhiều, ngoài việc cấp nguồn cho thiết bị 3 pha thì nó có thể sử dụng tách pha (lấy 1 trong 3 dây pha bất kì ghép với dây trung tính ) để tạo ra nguồn điện 1 pha cung cấp cho thiết bị điện 1 pha.
Điện 3 pha 5 dây
Điện 3 pha 5 dây là nguồn điện xoay chiều gồm 3 dây pha ( thường kí hiệu là L1, L2, L3 hoặc a, b,c …) 1 dây trung tính N, 1 dây tiếp địa PE, loại này được sử dụng cho thiết bị điện 3 pha ( trong đó có động cơ 3 pha đấu sao ) và tiếp đất vỏ thiết bị – hệ thống điện.
Bản chất trong truyền tải chỉ có 3 pha 4 dây tuy nhiên trong quá trình phân phối điện có thêm hệ thống tiếp địa bảo vệ nên bạn có thể gọi đó là điện 3 pha 5 dây.
Video phân loại điện 1 pha – 2 pha – 3 pha, bạn có thể tham khảo:
Chuyên mục tham khảo: Kiến thức điện
Bài viết tham khảo: Tổng hợp kiến thức về công suất – hệ số công suất bạn cần biết!
Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc hay cần tư vấn về thiết bị dịch vụ vui lòng comment phía dưới hoặc Liên hệ chúng tôi!
Chúng tôi luôn sẵn sàng đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng!