Bài viết này chia sẻ cho bạn kiến thức về một số loại tụ điện có trị số điện dung cố định như: tụ giấy, tụ hóa, tụ màng chất dẻo, tụ mica, tụ gốm, tụ dầu, tụ điện dải nhôm, tụ tantan…
Tụ điện có trị số điện dung cố định
Tụ giấy
Tụ giấy: chất điện môi là giấy, thường có trị số điện dung khoảng từ 500 pF đến 50 μF và điện áp làm việc đến 600 Vdc. Tụ giấy có giá thành rẻ nhất so với các loại tụ có cùng trị số điện dung.
Loại này có ưu điểm là kích thước nhỏ, điện dung lớn. Tuy nhiên tổn hao điện môi lớn, hệ số nhiệt (TCC) lớn.
Tụ hoá
Tụ hoá (Tụ điện điện phân) electrolytic capacitor là một loại tụ điện có phân cực. Nó có 1 cực được làm bằng kim loại đặc biệt được xử lý bề mặt để tạo lớp oxyt cách điện gọi là anode (+). Sau đó chất điện phân rắn hoặc không rắn (non-solid) được phủ lên bề mặt một lớp oxyt tạo ra cathode.
Một số loại tụ hóa như: tụ hóa nhôm, tụ hóa Tantali, tụ hóa Niobi, Polyme…
Tụ màng chất dẻo
Tụ màng chất dẻo: chất điện môi là chất dẻo, có điện trở cách điện lớn hơn 100000 MΩ. Điện áp làm việc cao khoảng 600V. Dung sai tiêu chuẩn của tụ là ± 2,5%; hệ số nhiệt từ 60 đến 150 ppm/0C.
Tụ màng chất dẻo nhỏ hơn tụ giấy nhưng đắt hơn. Giá trị điện dung của tụ tiêu chuẩn nằm trong khoảng từ 5 pF đến 0,47 μF
Tụ mi ca
Tụ mi ca: chất điện môi là mi ca, tụ mi ca tiêu chuẩn có giá trị điện dung khoảng từ 1 pF đến 0,1 μF và điện áp làm việc cao đến 3500V.
Nhược điểm của loại tụ này là giá thành của tụ cao. Tuy nhiên tổn hao điện môi nhỏ, điện trở cách điện rất cao, chịu được nhiệt độ cao.
Tụ gốm
Tụ gốm: chất điện môi là gốm. Màng kim loại được lắng đọng trên mỗi mặt của một đĩa gốm mỏng và dây dẫn nối tới màng kim loại. Tất cả được bọc trong một vỏ chất dẻo. Giá trị điện dung của tụ gốm tiêu chuẩn khoảng từ 1 pF đến 0,1 μF, với điện áp làm việc một chiều đến 1000 Vdc.
Đặc điểm của tụ gốm là kích thước nhỏ, điện dung lớn, có tính ổn định rất tốt, có thể làm việc lâu dài mà không lão hoá.
Tụ dầu
Tụ dầu: chất điện môi là dầu. Tụ dầu có điện dung lớn, chịu được điện áp cao,có tính năng cách điện tốt, có thể chế tạo thành tụ cao áp. Kết cấu đơn giản, dễ sản xuất.
Tụ điện giải nhôm
Tụ điện giải nhôm: Cấu trúc cơ bản là giống tụ giấy. Hai lá nhôm mỏng làm hai bản cực đặt cách nhau bằng lớp vải mỏng được tẩm chất điện phân (dung dịch điện phân), sau đó được quấn lại và cho vào trong một khối trụ bằng nhôm để bảo vệ.
Các tụ điện giải nhôm thông dụng thường làm việc với điện áp một chiều lớn hơn 400 Vdc, trong trường hợp này, điện dung không quá 100 μF. Điện áp làm việc thấp và dòng rò tương đối lớn.
Tụ tantan
Tụ tantan: (chất điện giải Tantan) đây là một loại tụ điện giải, bột tantan được cô đặc thành dạng hình trụ, sau đó được nhấn chìm vào một hộp chứa chất điện phân. Dung dịch điện phân sẽ thấm vào chất tantan. Khi đặt một điện áp một chiều lên hai chân tụ thì một lớp oxit mỏng được tạo thành ở vùng tiếp xúc của chất điện phân và tantan. Tụ tantan có điện áp làm việc lên đến 630 Vdc nhưng giá trị điện dung chỉ khoảng 3,5 μF.
Tìm hiều thềm về tụ có điện dung thay đổi: Tụ xoay, tụ vi điều chỉnh…
Bài viết hữu ích: Kiến thức tổng hợp về Tụ điện – Capacitors
Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc, câu hỏi hay cần tư vấn về thiết bị dịch vụ… vui lòng comment phía dưới hoặc Liên hệ chúng tôi!
Chúng tôi luôn sẵn sàng đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng!
Nguồn: Thầy Đỗ Mạnh Hà.