Các khái niệm cơ bản về hệ thống điện lưới trích nguồn: QCVN: 2015/BCT – QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KỸ THUẬT ĐIỆN “National Technical Regulation on Electric Power Technical”, phần 1: Hệ thống lưới điện.
Hệ thống năng lượng
Hệ thống năng lượng (Energy System) là mạng lưới cung cấp điện năng và nhiệt năng, có quan hệ mật thiết với nhau về điều kiện vận hành, sản xuất và phân phối cũng như quá trình tiêu thụ.
Hệ thống điện
Hệ thống điện (Power System) là một phần của Hệ thống năng lượng đã loại trừ mạng lưới Nhiệt.
Hệ thống điện quốc gia
Hệ thống điện quốc gia (National Power System) là hệ thống điện toàn quốc bao gồm các nhà máy điện, các đường dây truyền tải và phân phối điện, các trạm biến áp và các thiết bị liên quan liên kết với nhau và được chỉ huy thống nhất trong phạm vi cả nước của các cơ quan tham gia vận hành, quản lý và điều hành sản xuất, truyền tải và cung cấp điện.
Sơ đồ hệ thống điện
Sơ đồ hệ thống điện (Power System Diagram) là sơ đồ thể hiện các thông tin về hệ thống điện, nội dung thông tin tùy thuộc vào các yêu cầu cụ thể.
Sơ đồ vận hành hệ thống điện
Sơ đồ vận hành hệ thống điện (Power System Operational Diagram) là sơ đồ biểu thị một phương thức vận hành nhất định.
Quy hoạch hệ thống điện
Quy hoạch hệ thống điện (Power System Planning) là toàn bộ các nghiên cứu và chương trình liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, bảo đảm các tính năng kinh tế – kỹ thuật, bảo đảm yêu cầu tăng trưởng phụ tải điện.
Công trình điện lực
Công trình điện lực (Power Monument) là tập hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, mua bán điện; hệ thống bảo vệ công trình điện lực; hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; đất sử dụng cho công trình điện lực và công trình phụ trợ khác.
Trung tâm điện lực
Trung tâm điện lực (Power Center) là cụm các nhà máy điện được xây dựng liền kề nhau.
Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia
Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (National load dispatch Center) là đơn vị điều hành hoạt động của hệ thống điện quốc gia bao gồm: lập kế hoạch phát điện, phương thức vận hành, chỉ huy vận hành HTĐ và điều phối các tổ máy phát điện được đấu nối với hệ thống điện Quốc gia, kiểm soát hệ thống lưới điện truyền tải, chi phối việc mua bán điện với các hệ thống điện bên ngoài Việt Nam.
Hệ thống SCADA
Hệ thống SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition System) là một hệ thống được sử dụng tại các trung tâm điều khiển để thu thập dữ liệu nhằm phục vụ việc giám sát, điều khiển và vận hành hệ thống điện, thiết bị điện.
Hệ thống bù công suất phản kháng
Hệ thống bù công suất phản kháng (Reactive Power Compensation System) là hệ thống bù bằng tụ điện, hoặc bằng máy bù đồng bộ.
Liên kết các hệ thống điện
Liên kết các hệ thống điện (Interconnection of power systems) là sự ghép nối các hệ thống điện với nhau để trao đổi điện năng.
Sự làm việc đồng bộ của hệ thống điện
Sự làm việc đồng bộ của hệ thống điện (Synchronous Operation of Power Systems) là trạng thái của hệ thống điện trong đó tất cả các nhà máy điện làm việc đồng bộ với nhau.
Công suất dự phòng của hệ thống điện
Công suất dự phòng của hệ thống điện (Reserve Power of a Power System) là sự chênh lệch giữa tổng công suất khả dụng và nhu cầu công suất của hệ thống điện.
Độ ổn định của hệ thống điện
Độ ổn định của hệ thống điện (Power System Stability) là khả năng lập lại trạng thái xác lập của một hệ thống điện, đặc trưng bởi sự vận hành đồng bộ của các máy phát sau một nhiễu loạn, ví dụ do biến thiên công suất hoặc tổng trở.
Ổn định tĩnh của hệ thống điện
Ổn định tĩnh của hệ thống điện (Static Stability of a Power System) là sự ổn định của hệ thống điện sau các nhiễu loạn có biên độ tương đối nhỏ và tốc độ biến thiên chậm.
Ổn định động của hệ thống điện
Ổn định động của hệ thống điện (Dinamic Stability of a Power System) là sự trở về ổn định tĩnh của hệ thống điện trong đó các trị số nhiễu loạn có thể có biên độ và/hoặc tốc độ biến thiên tương đối nhanh.
Ổn định có điều kiện của hệ thống điện
Ổn định có điều kiện của hệ thống điện (Conditional Stability of a Power System) là sự trở về trạng thái ổn định tĩnh của hệ thống điện khi được hỗ trợ của điều khiển tự động.
Chế độ xác lập của hệ thống điện
Chế độ xác lập của hệ thống điện (Steady State of a Power System) là các điều kiện vận hành trong đó các thông số trạng thái của hệ thống điện được coi là ổn định.
Chế độ quá độ của hệ thống điện
Chế độ quá độ của hệ thống điện (Transient State of a Power System) là các điều kiện vận hành trong đó ít nhất một thông số trạng thái đang thay đổi, thường là trong một khoảng thời gian ngắn.
Trạng thái cân bằng của lưới điện nhiều pha
Trạng thái cân bằng của lưới điện nhiều pha (Balanced State of a Polyphase Network) là điều kiện trong đó điện áp và dòng điện trong các dây dẫn pha tạo thành hệ thống nhiều pha cân bằng.
Trạng thái không cân bằng của lưới điện nhiều pha
Trạng thái không cân bằng của lưới điện nhiều pha (Unbalanced State of a Polyphase Network) là điều kiện trong đó điện áp và/hoặc dòng điện trong các dây dẫn pha không tạo thành hệ thống nhiều pha cân bằng.
Quản lý nhu cầu của hệ thống điện
Quản lý nhu cầu của hệ thống điện (Power System Demand Management) là quản lý nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng trong hệ thống điện.
Dự báo nhu cầu của hệ thống điện
Dự báo nhu cầu của hệ thống điện (Management Forecast of a Power System) là sự chuẩn bị và kiểm tra các chương trình phát điện, tức là phần dự phòng và phần vận hành, bao gồm phân tích sơ đồ mạng lưới để cung cấp điện kinh tế nhất cho các phụ tải dự kiến với mức an toàn cần thiết trong khoảng thời gian xác định, trong một hệ thống xác định, có xét đến tất cả những trường hợp hiện tại và những tình huống có thể xảy ra.
Sự tăng cường của hệ thống điện
Sự tăng cường của hệ thống điện (Reinforcement of a Power System) là sự tăng thêm hoặc thay thế một số phần tử của hệ thống điện (như các máy biến áp, đường dây, máy phát điện, v.v.) để hệ thống có thể đáp ứng sự gia tăng phụ tải hoặc cung cấp điện bảo đảm chất lượng.
Khả năng quá tải
Khả năng quá tải (Overload Capacity) là tải cao nhất có thể duy trì trong một thời gian ngắn.
Sa thải phụ tải
Sa thải phụ tải (Load Shedding) là quá trình ngắt kết nối có tính toán các phụ tải đã được lựa chọn trước ra khỏi hệ thống điện liên quan đến điều kiện bất bình thường để duy trì sự ổn định cho phần còn lại của hệ thống điện.
Dự báo cơ cấu nguồn phát điện
Dự báo cơ cấu nguồn phát điện (Generation Mix Forecast) là một sự ước tính tổ hợp hệ thống phát điện tại một thời điểm xác định trong tương lai.
Khởi động lạnh của tổ máy phát nhiệt điện
Khởi động lạnh của tổ máy phát nhiệt điện (Cold start-up of a Thermal Generating Set) là quá trình mà trong đó tổ máy phát điện được nâng tốc độ, hòa vào hệ thống và mang tải sau một thời gian dài ngừng vận hành.
Khởi động nóng của tổ máy phát nhiệt điện
Khởi động nóng của tổ máy phát nhiệt điện (Hot start-up of a Thermal Generating Set) là quá trình trong đó tổ máy phát điện được nâng tốc độ, hoà vào hệ thống và mang tải sau thời gian ngắn không vận hành mà tình trạng nhiệt của tua bin chưa thay đổi nhiều.
Công suất khả dụng của một tổ máy (hoặc một nhà máy điện)
Công suất khả dụng của một tổ máy điện (hoặc một nhà máy điện) (Available Capacity of a Unit or of a power station) là công suất phát thực tế cực đại của tổ máy phát điện (hoặc nhà máy điện) có thể phát ổn định, liên tục trong một khoảng thời gian xác định.
Dự phòng nóng
Dự phòng nóng (Hot Stand-by) là tổng công suất khả dụng của các tổ máy phát điện đang chạy không tải hoặc non tải để phát điện nhanh vào hệ thống điện.
Dự phòng nguội
Dự phòng nguội (Cold Reserve) là tổng công suất khả dụng của các tổ máy phát điện dự phòng khi cần thiết sẽ khởi động (có thể kéo dài vài giờ) để kết nối vào hệ thống điện.
Dự phòng sự cố
Dự phòng sự cố (Outage Reserve) là công suất dự phòng có thể huy động được trong vòng 24 giờ.
Dự báo phụ tải
Dự báo phụ tải (Load Forecast) là sự ước tính phụ tải dự kiến của lưới điện tại một thời điểm tương lai nhất định.
Nguồn điện độc lập
Nguồn điện độc lập (Stand Alone Power Supply Resource) là nguồn điện cung cấp điện độc lập tách rời với hệ thống điện quốc gia.
Độ tin cậy cung cấp điện
Độ tin cậy cung cấp điện (Service Reliability) là chỉ tiêu xác định khả năng của hệ thống điện đáp ứng chức năng cung cấp điện trong những điều kiện ổn định và trong khoảng thời gian xác định.
Độ an toàn cung cấp điện
Độ an toàn cung cấp điện (Service Security) là chỉ tiêu xác định khả năng của một hệ thống điện thực hiện chức năng cung cấp điện trong trường hợp sự cố.
Khai thác kinh tế phụ tải
Khai thác kinh tế phụ tải (Economic loading Schedule) là việc khai thác các thành phần sẵn có của lưới điện sao cho đạt hiệu quả kinh tế nhất.
Truyền tải điện
Truyền tải điện (Transmission of electricity) là sự chuyển tải năng lượng điện từ khu vực này đến khu vực khác.
Phân phối điện
Phân phối điện (Distribution of electricity) là sự phân phối điện năng tới các khách hàng tiêu thụ điện.
Cân bằng lưới phân phối điện
Cân bằng lưới phân phối điện (Balancing of a distribution network) là sự phân bố nhu cầu điện của các hộ tiêu thụ ở các pha khác nhau của lưới phân phối sao cho mức cân bằng dòng điện giữa các pha là cao nhất.
Cung cấp điện cao áp
Cung cấp điện cao áp (High Voltage Providing Electricity) là phương thức cung cấp điện cao áp vào tận hộ tiêu thụ.
Hệ số không cân bằng pha
Hệ số không cân bằng pha (Imbalance Factor) được biểu diễn bằng tỷ lệ (phần trăm) giữa giá trị hiệu dụng của thành phần thứ tự nghịch (hoặc thành phần thứ tự không) đối với thành phần thứ tự thuận của điện áp hoặc dòng điện trong hệ thống điện 3 pha.
Độ ổn định của phụ tải
Độ ổn định của phụ tải (Load Stability) là khả năng lập lại chế độ xác lập sau một nhiễu loạn của tải.
Sự phục hồi tải
Sự phục hồi tải (Load Recovery) là sự tăng tải trở lại của hộ tiêu thụ điện hoặc hệ thống điện sau khi phục hồi điện áp, tốc độ phục hồi phụ thuộc vào các đặc tính của tải.
Quy trình vận hành
Quy trình vận hành (Operation regulation) là những quy định về các chỉ số kinh tế, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tính đồng bộ và an toàn, độ tin cậy của hệ thống điện do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cho việc lập kế hoạch, phương thức và vận hành hệ thống điện.
Điểm đấu nối
Điểm đấu nối (Connection point) là điểm nối trang thiết bị, lưới điện và nhà máy điện của tổ chức, cá nhân có nhu cầu đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Mức ồn
Mức ồn (Noise Level) là độ ồn cho phép do thiết bị khi vận hành gây ra không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
Phối hợp cách điện
Phối hợp cách điện (Imbalance Factor) là sự ghép nối bổ sung cách điện để bảo đảm sức bền điện môi của thiết bị liên quan đến các điện áp vận hành và quá điện áp có thể xuất hiện trên hệ thống điện mà thiết bị đó được dự kiến và có tính đến môi trường vận hành và đặc tính của các thiết bị bảo vệ.
Khoảng trống làm việc nhỏ nhất
Khoảng trống làm việc nhỏ nhất (Minimum Working Clearance) là khoảng không gian nhỏ nhất để bảo đảm an toàn, được duy trì giữa phần mang điện với người làm việc hoặc với dụng cụ dẫn điện mà người làm việc đang sử dụng.
Khoảng trống cách điện nhỏ nhất
Khoảng trống cách điện nhỏ nhất (Minimum Clearance) là khoảng cách ly nhỏ nhất trong không khí, khoảng trống này phải được tuân thủ giữa phần mang điện với đất hoặc giữa các phần mang điện với nhau.
Hệ dẫn điện
Hệ dẫn điện (Electrical System) là tập hợp các cột điện, vật cách điện, dây dẫn điện, cáp điện, các phụ kiện và các thiết bị bảo vệ liên quan làm nhiệm vụ chuyển tải điện. Theo loại vật liệu sử dụng và vị trí lắp đặt hệ dẫn điện được chia thành:
Hệ dẫn điện mềm
Hệ dẫn điện mềm: sử dụng dây dẫn mềm, thanh cái mềm;
Hệ dẫn điện cứng
Hệ dẫn điện cứng: sử dụng thanh cái cứng, thanh dẫn cứng;
Hệ dẫn điện lắp đặt trong nhà
- Lắp đặt hở: các đường dây điện lắp đặt trên bề mặt tường, trần nhà, vì kèo và các phần kiến trúc khác bên trong của toà nhà và công trình, mà không được che chắn cách ly với môi trường xung quanh;
- Lắp đặt kín: các đường dây điện lắp đặt bên trong phần kiến trúc của toà nhà và công trình.
Hệ dẫn điện lắp đặt ngoài trời
- Lắp đặt hở: các đường dây điện được lắp đặt ở bên ngoài các công trình xây dựng, v.v. mà không được che chắn cách ly với môi trường xung quanh;
- Lắp đặt kín: các đường dây điện được lắp đặt kín ở bên trong các kết cấu công trình xây dựng, v.v.
Hệ dẫn điện mở rộng
Hệ dẫn điện mở rộng là hệ dẫn điện được lắp đặt để nối đường dây truyền tải hiện có với nhà máy điện, trạm biến áp hoặc đường dây mới được xây dựng.
Trang bị điện
Trang bị điện (Electrical Equipment) là những tập hợp kết nối các thiết bị điện dùng để sản xuất, biến đổi, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện năng. Các trang bị điện trong Quy chuẩn kỹ thuật này được chia thành 2 loại:
- Loại có điện áp đến 1kV;
- Loại có điện áp trên 1kV.
Vị trí và cách lắp đặt trang bị điện:
Trang bị điện ngoài trời
Trang bị điện ngoài trời là các thiết bị điện được lắp đặt ở ngoài trời.
- Trang bị điện ngoài trời kiểu hở: bao gồm các thiết bị điện khi lắp đặt không được che bọc bảo vệ chống tiếp xúc trực tiếp và không được che chắn, ngăn ngừa tác động với môi trường;
- Trang bị điện ngoài trời kiểu kín: bao gồm các thiết bị điện khi lắp đặt có vỏ che bọc bảo vệ để chống tiếp xúc trực tiếp và tác động với môi trường
Trang bị điện trong nhà
Trang bị điện trong nhà bao gồm các thiết bị điện được lắp đặt trong nhà hoặc phòng kín.
- Trang bị điện trong nhà kiểu hở: là các thiết bị điện không được bảo vệ hoàn toàn để chống tiếp xúc trực tiếp;
- Trang bị điện trong nhà kiểu kín: bao gồm các thiết bị được bảo vệ hoàn toàn để chống tiếp xúc trực tiếp.
Dây dẫn điện, đường dây và cáp điện
Dây dẫn điện (Wire) là một phần tử để mang dòng điện, có hoặc không có vỏ bọc cách điện.
- Dây dẫn trần là dây không bọc cách điện.
- Dây bọc là dây có vỏ bọc cách điện.
Đường dây (Line) là sự kết nối dây dẫn điện thành tuyến mạch để truyền điện năng giữa hai bộ phận của lưới điện. Đường dây điện trong nhà hoặc ngoài trời là các đường dây phân phối lắp trong các nhà (bao gồm các tòa nhà và các xí nghiệp) hoặc lắp ngoài trời (trên các công trình, trên tường, trên những kết cấu xây dựng, v.v.).
Cáp (Cable) là dây dẫn điện, có một hoặc nhiều lõi, được bọc bởi vật liệu cách điện tương ứng với cấp điện áp, có hoặc không có vỏ, đai thép bảo vệ.
Đường dây phân phối điện
Đường dây phân phối điện (Distribution Line) là đường dây có cấp điện áp từ 35kV trở xuống và các đường dây có điện áp 110kV trực tiếp thực hiện chức năng cung cấp điện đến các trạm biến áp phân phối cho khách hàng sử dụng điện.
Đường dây truyền tải điện
Đường dây truyền tải (Transmission Line) là đường dây có cấp điện áp từ 220kV trở lên và các đường dây có điện áp 110kV làm nhiệm vụ truyền tải công suất từ các nhà máy điện và/hoặc truyền tải điện trong hệ thống điện quốc gia.
Đường dây dẫn điện trên không (ĐDK)
ĐDK (Overhead Power Line) là đường dây truyền tải hoặc phân phối điện năng lắp đặt ngoài trời, dùng dây dẫn điện, mắc trên vật cách điện và phụ kiện, bố trí trên cột hoặc trên kết cấu của công trình.
Thiết bị điện ngâm dầu
Thiết bị điện ngâm dầu (Oil-Immersed Electrical Equipment) là thiết bị có bộ phận ngâm trong dầu để tránh tiếp xúc với môi trường xung quanh, tăng cường cách điện, làm mát.
Thiết bị điện chống cháy nổ
Thiết bị điện chống cháy nổ (Explosive Resistant Electrical Equipment) là trang bị điện được phép dùng ở những nơi có môi trường dễ cháy nổ ở mọi cấp.
Vật liệu kỹ thuật điện
Vật liệu kỹ thuật điện (Electrical Materials) là những vật liệu được sử dụng trong kỹ thuật điện.
Gian điện
Gian điện (Electrical Hall) là gian nhà hoặc phần của nhà được ngăn riêng để đặt thiết bị điện và/hoặc tủ bảng điện.
Gian khô
Gian khô là gian có độ ẩm tương đối không vượt quá 75%. Trong trường hợp không có những điều kiện quy định trong gian hoặc chỗ như ở dưới đây (gian nóng, gian bụi, chỗ có môi trường hóa chất hoạt tính mạnh), thì những gian như vậy gọi là gian bình thường;
Gian ẩm
Gian ẩm là gian có độ ẩm tương đối vượt quá 75%;
Gian rất ẩm
Gian rất ẩm là gian có độ ẩm tương đối xấp xỉ 100% (trần, sàn nhà và đồ vật ở trong nhà đổ mồ hôi);
Gian nóng
Gian nóng là gian có nhiệt độ vượt quá +35oC trong thời gian 24 giờ liên tiếp;
Gian cháy nổ
Gian cháy nổ là gian lắp thiết bị có thể gây nguy cơ cháy nổ;
Gian hoặc nơi bụi
Gian hoặc nơi bụi là gian hoặc nơi có nhiều bụi, được chia thành gian (hoặc nơi) có thành phần dẫn điện và không có thành phần dẫn điện.
Gian hoặc nơi nguy hiểm
Gian hoặc nơi nguy hiểm là gian hoặc nơi có một trong những yếu tố sau:
- Ướt hoặc có bụi dẫn điện (Xem “Gian ẩm” và “Gian bụi”);
- Nền, sàn nhà dẫn điện (bằng kim loại, đất, bê tông, cốt thép, gạch v.v.);
- Nhiệt độ cao (xem “Gian nóng”);
- Có khả năng để người tiếp xúc đồng thời với một bên là kết cấu kim loại của nhà cửa hoặc thiết bị công nghệ, máy móc v.v. đã nối đất và bên kia là vỏ kim loại của thiết bị điện;
- Có cường độ điện trường lớn hơn mức cho phép.
Gian hoặc nơi rất nguy hiểm
Gian hoặc nơi rất nguy hiểm là gian hoặc nơi có một trong những yếu tố sau:
- Rất ẩm (xem “Gian rất ẩm”);
- Có hoạt tính hoá học (xem “nơi có môi trường hoạt tính hóa học”);
- Đồng thời có hai yếu tố của gian nguy hiểm.
Gian hoặc nơi ít nguy hiểm
Gian hoặc nơi ít nguy hiểm là gian hoặc nơi không thuộc một trong hai loại trên.
Gian hoặc nơi môi trường có hoạt tính hoá học
Gian hoặc nơi môi trường có hoạt tính hoá học là nơi thường xuyên hoặc trong thời gian dài có chứa hơi, khí, chất lỏng có thể tạo ra các chất, nấm mốc dẫn đến phá hỏng phần cách điện và/hoặc phần dẫn điện của thiết bị điện.
Hệ thống đóng cắt cách điện khí (GIS)
Hệ thống đóng cắt cách điện khí (GIS) (Gas Insulated Switchgear ) là bộ phận đóng cắt được đặt kín và phần cách điện bên trong bằng khí cách điện có áp lực.
Mức cách điện
Mức cách điện (Insulation Level) là đặc tính được xác định bởi một số chỉ số biểu thị bằng điện áp chịu đựng cho cách điện của thiết bị. Mức cách điện phải được chọn cụ thể theo điện áp xác lập cao nhất cho thiết bị (Um), điện áp chịu đựng ngắn hạn ở tần số công nghiệp, mức cách điện xung cơ sở (BIL) và điện áp chịu xung khi đóng cắt danh định.
Mức cách điện xung cơ sở
Mức cách điện xung cơ sở (Basic Impulse Insulation Level – BIL) là sức bền cách điện của thiết bị đối với xung điện áp, được biểu diễn bằng giá trị đỉnh của sóng điện áp xung (sét) chuẩn và được sử dụng để thể hiện khả năng chịu đựng của cách điện của các thiết bị (như máy biến áp, thiết bị đóng
cắt, v.v.) đối với các mức điện áp nhất định.
Cách điện ngoài
Cách điện ngoài (External Insulation) là khoảng cách trong khí quyển và trên bề mặt tiếp xúc với không khí của cách điện rắn của thiết bị mà chúng chịu tác động của ứng suất điện môi, tác động của khí quyển và các tác động bên ngoài khác như: ô nhiễm, độ ẩm, v.v.
Cách điện trong
Cách điện trong (Internal Insulation) là các khoảng cách trong của cách điện rắn, lỏng hoặc khi bên trong thiết bị được bảo vệ chống tác động của khí quyển và các tác động bên ngoài khác.
Cách điện tự phục hồi
Cách điện tự phục hồi (Self-restoring Insulation) là cách điện, mà sau một thời gian ngắn, tự khôi phục lại hoàn toàn những đặc tính cách điện sau khi bị phóng điện.
Cách điện không tự phục hồi
Cách điện không tự phục hồi (Insulation Co-ordination and double insulation) là cách điện bị mất những đặc tính cách điện, hoặc không khôi phục lại hoàn toàn những đặc tính cách điện, sau khi bị phóng điện.
Phối hợp cách điện
Phối hợp cách điện (Imbalance Factor) là sự ghép nối bổ sung cách điện để bảo đảm sức bền điện môi của thiết bị liên quan đến các điện áp vận hành và quá điện áp có thể xuất hiện trên hệ thống điện có tính đến môi trường vận hành và đặc tính của các thiết bị bảo vệ.
Cách điện
Cách điện chính
Cách điện chính (Main Insulation)
- Cách điện của bộ phận mang điện có tác dụng bảo vệ chính là chống điện giật.
- Cách điện chính không nhất thiết bao gồm phần cách điện sử dụng riêng cho các mục đích chức năng.
Cách điện phụ
Cách điện phụ (Auxiliary Insulation) là cách điện độc lập bổ sung vào cách điện chính để bảo vệ chống điện giật trong trường hợp cách điện chính bị hỏng.
Cách điện kép
Cách điện kép (Double Insulation) là 2 cách điện cùng chủng loại, cùng đặc tính kỹ thuật.
Giá trị định mức
Giá trị định mức (Rated value) là giá trị của một đại lượng, thường do nhà chế tạo ấn định cho điều kiện vận hành quy định đối với một phần tử, một thiết bị hoặc dụng cụ.
Cấp điện áp
Cấp điện áp (Voltage level) là trị số điện áp danh định, được sử dụng trong một hệ thống.
Điện áp danh định của hệ thống điện
Điện áp danh định của hệ thống điện (Nominal Voltage) là một trị số điện áp gần đúng thích hợp được dùng để định rõ hoặc nhận dạng một hệ thống điện.
Điện áp vận hành trong hệ thống điện
Điện áp vận hành trong hệ thống điện (Operating Voltage) là trị số điện áp trong điều kiện làm việc bình thường, ở một thời điểm và tại một điểm đã cho của hệ thống điện.
Điện áp cao nhất (hoặc thấp nhất) của hệ thống
Điện áp vận hành cao nhất (hoặc thấp nhất) của hệ thống (Highest (or Lowest) Voltage of a Power System) là điện áp vận hành cao nhất (hoặc thấp nhất) trong các điều kiện vận hành bình thường ở bất kỳ thời điểm nào và tại bất kỳ điểm nào trong hệ thống.
Điện áp cao nhất đối với thiết bị
Điện áp cao nhất đối với thiết bị (Highest Voltage for Equipment) là điện áp pha – pha cao nhất cho thiết bị, theo đó cách điện cũng như các đặc tính điện áp liên quan khác dựa vào các tiêu chuẩn thiết bị tương ứng.
Độ lệch điện áp
Độ lệch điện áp (Voltage deviation) được thể hiện bằng phần trăm, giữa điện áp tại một thời điểm đã cho tại một điểm của hệ thống và điện áp đối chiếu như: điện áp danh định, trị số trung bình của điện áp vận hành, hoặc điện áp cung cấp, v.v. theo thoả thuận.
Biến động điện áp
Biến động điện áp (Voltage Fluctuation) là hàng loạt các thay đổi hoặc sự biến thiên có chu kỳ của điện áp.
Quá điện áp
Quá điện áp (Overvoltage) là điện áp bất kỳ giữa pha và đất hoặc giữa các pha với đỉnh vượt quá trị số đỉnh tương ứng của điện áp cao nhất của thiết bị.
Tổn thất điện áp đường dây
Tổn thất điện áp đường dây (Line Voltage Drop) là điện áp chênh lệch tại một thời điểm đã cho giữa hai giá trị điện áp được đo tại hai vị trí xác định trên một đường dây.
Quá điện áp tạm thời
Quá điện áp tạm thời (Temporary Overvoltage) là một giá trị quá điện áp dao động (ở tần số của lưới) tại một vị trí xác định mà không giảm được hoặc tắt dần trong một thời gian tương đối lâu.
Quá điện áp quá độ
Quá điện áp quá độ (Transient Overvoltage) là quá điện áp diễn ra trong thời gian ngắn, vài mili giây hoặc ngắn hơn, có dao động hoặc không dao động, thường tắt nhanh.
Sự tăng vọt điện áp
Sự tăng vọt điện áp (Voltage Surge) là sóng điện áp quá độ lan dọc đường dây hoặc một mạch điện, đặc trưng bởi sự tăng điện áp rất nhanh, sau đó giảm chậm.
Phục hồi điện áp
Phục hồi điện áp (Voltage Recovery) là sự phục hồi điện áp tới một trị số gần với trị số trước đó của nó sau khi điện áp bị suy giảm, bị sụp đổ hoặc bị mất.
Sự không cân bằng điện áp
Sự không cân bằng điện áp (Voltage Unbalance) là hiện tượng khác nhau giữa điện áp trên các pha, do sự khác nhau giữa các dòng điện tải hoặc sự không đối xứng hình học trên đường dây.
Quá điện áp thao tác
Quá điện áp thao tác (Switching Overvoltage) là quá điện áp quá độ có hình dạng tương tự với dạng xung điện áp đóng cắt tiêu chuẩn, được đánh giá cho mục đích phối hợp cách điện.
Quá điện áp sét
Quá điện áp sét (Lightning Overvoltage) là quá điện áp quá độ có hình dạng tương tự với hình dạng của xung sét tiêu chuẩn, được đánh giá cho mục đích phối hợp cách điện.
Quá điện áp cộng hưởng
Quá điện áp cộng hưởng (Resonant Overvoltage) là quá điện áp phát sinh do dao động cộng hưởng duy trì trong hệ thống điện.
Điện áp phục hồi quá độ
Điện áp phục hồi quá độ (Transient Recovery Voltage-TRV) là điện áp khôi phục trong thời gian có đặc tính quá độ khi cắt dòng điện của thiết bị cảm ứng điện từ. Điện áp phục hồi quá độ có thể là dao động hoặc không dao động hoặc kết hợp cả hai phụ thuộc vào các đặc tính của mạch và thiết bị đóng cắt. Nó bao gồm sự dịch chuyển điện áp trung tính của mạch nhiều pha. Điện áp phục hồi quá độ tác động chủ yếu lên cực cắt đầu tiên trong mạch điện 3 pha.
Đường cáp điện
Đường cáp điện (Power Cable Lines) là đường dây truyền tải điện hoặc đường dây phân phối điện sử dụng dây cáp, lắp đặt ngầm dưới đất, trong các công trình cáp, dưới nước (sông, biển), trong nhà xưởng sản xuất, v.v. và được kết nối bằng hộp đầu cáp, hộp nối cáp và các chi tiết giữ cáp.
Công trình cáp
Công trình cáp (Cable Structures) gồm có các loại sau đây:
Hầm cáp là công trình ngầm trong đó đặt các kết cấu để đặt cáp và các hộp nối, cho phép đi lại dễ dàng để đặt cáp, sửa chữa và kiểm tra cáp, có khoảng cách giữa sàn và trần không nhỏ hơn 1,8m.
Tầng cáp là phần của toà nhà được giới hạn bởi sàn nhà và trần, có khoảng cách giữa sàn và các tấm trần không nhỏ hơn 1,8m.
Buồng cáp là công trình kín bằng các tấm bê tông, dùng để đặt cáp, hộp nối cáp hoặc để luồn cáp vào khối cáp.
Hành lang cáp là công trình kín toàn bộ hoặc từng phần, bố trí sát mặt đất hoặc cao hơn mặt đất, đặt nằm ngang hoặc nghiêng; hành lang cáp đi lại được.
Hào cáp là công trình ngầm, cáp đặt trực tiếp trong đất.
Mương cáp là công trình ngầm chìm toàn bộ hoặc từng phần, ở đó không đi lại được. Trước khi đặt cáp, kiểm tra, sửa chữa cáp phải dỡ phần tấm che ở trên.
Sàn kép là khoảng trống giữa 2 lớp sàn, hoặc giữa sàn và tấm chắn mà các tấm chắn này có thể tháo gỡ được toàn bộ hoặc từng phần diện tích phòng.
Khối cáp là công trình gồm các khối đúc sẵn có lỗ được xếp dài liên tục để luồn cáp.
Giếng cáp là công trình đặt cáp thẳng đứng hoặc nghiêng có hoặc không có thang trèo để lên xuống.
Cầu cáp là công trình hở hoặc kín có kết cấu để đặt cáp, bố trí sát mặt đất hoặc cao hơn mặt đất, đặt nằm ngang hoặc nghiêng có hoặc không có hành lang đi lại.
Máng cáp là kết cấu kiểu hộp đặt trong nhà hoặc ngoài trời. Máng cáp có thể là loại vách liền, có lỗ hoặc dạng mắt sàng và được chế tạo bằng vật liệu không cháy.
Giá cáp là kết cấu dùng để giữ cho trạng thái của cáp không võng quá mức quy định.
Trạm điện
Trạm điện (Power Station) là tên gọi chung của trạm biến áp và trạm đóng cắt.
Trang bị phân phối (TBPP)
TBPP (Distribution Equipment) là các thiết bị điện dùng trong hệ thống phân phối điện năng, gồm các máy cắt, các dao cách ly, các trang bị điều khiển, bảo vệ và đo lường, các thanh dẫn, các cấu trúc liên quan và các thiết bị phụ trợ (khí nén, ắc quy, v.v.).
Trạm biến áp (TBA)
TBA (Substation) là công trình biến đổi điện áp và truyền tải công suất điện qua máy biến áp, TBA được chia thành các loại:
TBA ngoài trời là trạm mà các thành phần chính của nó như các máy biến áp, các máy cắt, và các thanh dẫn được đặt ngoài trời.
TBA trong nhà là trạm được bố trí trong nhà .
TBA liền nhà là TBA xây dựng liền với nhà chính.
TBA phân xưởng là TBA bố trí trong nhà phân xưởng sản xuất (đặt chung phòng hoặc trong gian riêng).
TBA trọn bộ là TBA được trang bị với MBA và các cơ cấu điện trọn bộ (tủ phân phối trọn bộ (Các ngăn phân phối trọn bộ trong nhà hoặc ngoài trời, v.v.) đã lắp ráp sẵn toàn bộ hoặc từng khối để lắp đặt.
- TBA trọn bộ trong nhà là TBA trọn bộ bố trí trong nhà.
- TBA trọn bộ ngoài trời là TBA trọn bộ bố trí ngoài trời.
TBA trên cột là TBA ngoài trời, tất cả các thiết bị cao áp đều đặt trên cột hoặc kết cấu trên cao, ở độ cao an toàn về điện, không có rào chắn xung quanh.
TBA truyền tải là TBA có cấp điện áp 220kV trở lên và TBA có cấp điện áp 110kV có nối trực tiếp với nhà máy điện.
TBA phân phối là trạm biến áp có điện áp đến 35kV và TBA 110kV làm nhiệm vụ phân phối điện cho khách hàng tiêu thụ.
Trạm đóng cắt
Trạm đóng cắt (Switching Station) là trạm gồm các thiết bị đóng cắt, phân phối hoặc truyền tải điện và không lắp đặt máy biến áp lực.
Ngăn lắp đặt điện
Ngăn lắp đặt điện (Installation Compartments) là ngăn trong đó lắp đặt thiết bị điện và thanh dẫn.
- Ngăn kín là ngăn lắp đặt điện được che kín tất cả các phía, có một cửa thoát làm bằng cánh kín (không phải tấm lưới).
- Ngăn rào chắn là ngăn lắp đặt điện mà ở đó tất cả các phía được rào chắn hoàn toàn hoặc một phần (bằng vật liệu dạng lưới hoặc bằng lưới kết hợp với tấm kín).
- Ngăn nổ là ngăn kín dùng để đặt các thiết bị cần được ngăn cách để hạn chế hậu quả do sự cố nổ bên trong. Cửa mở ra phía ngoài hoặc hướng ra phía hành lang thoát nổ.
Thiết bị bảo vệ
Thiết bị bảo vệ (Protective Devices) là thiết bị tự động cắt mạch điện được bảo vệ khi bị sự cố xảy ra trong mạch đó.
Các loại bảo vệ
- Bảo vệ chính (Types of Protection) là bảo vệ chủ yếu, tác động trước tiên.
- Bảo vệ kép là hai bảo vệ chính, độc lập, cách ly vật lý, cùng thời gian tác động.
- Bảo vệ dự phòng là bảo vệ phụ, chỉ tác động khi bảo vệ chính không tác động.
Cắt bảo vệ
Cắt bảo vệ (Protective Breaking) là cắt tự động được thực hiện bằng thiết bị bảo vệ đối với tất cả các pha hoặc các cực khi có sự cố xảy ra tại một bộ phận trong lưới điện.
Hệ thống điều khiển từ xa
Hệ thống điều khiển từ xa (Remote Control Systems) bao gồm điều khiển từ xa, tín hiệu từ xa, thu thập số liệu từ xa (SCADA), các hệ thống đo lường xa và điều chỉnh xa.
Mạch thứ cấp
Mạch thứ cấp (Secondary Circuits) là tập hợp bao gồm mạch điều khiển, đo lường, tín hiệu, kiểm tra, tự động và mạch bảo vệ của các hoạt động điện.
Công tơ điện
Công tơ điện (Electricity Meter) là dụng cụ để xác định năng lượng điện truyền qua điểm đấu nối.
- Công tơ chính là công tơ được sử dụng để xác định sản lượng điện truyền qua nút đấu nối và sử dung trong quan hệ mua bán điện.
- Công tơ phụ là công tơ dùng để đối chiếu và giám sát.
- Công tơ nhiều biểu giá (Multi-tariff meter) là công tơ điện có khả năng cài đặt các biểu giá điện năng khác nhau.
Sự cố chạm đất
Sự cố chạm đất (Earth Fault) là sự tiếp xúc điện giữa các phần đang mang điện của thiết bị điện với kết cấu không cách điện với đất, hoặc trực tiếp với đất.
Sự cố chạm vỏ là hiện tượng chạm điện xảy ra giữa các bộ phận đang mang điện của thiết bị, máy móc với vỏ của chúng hoặc với các cấu trúc được nối đất.
Hệ thống nối đất
Hệ thống nối đất (Earthing System) là tất cả những điện cực nối đất và dây nối đất. Điện cực nối đất là nhóm các dây tiếp đất và cọc tiếp đất được liên kết với nhau, chôn dưới đất và tiếp xúc trực tiếp với đất. Dây nối đất là vật dẫn bằng kim loại để nối một bộ phận của thiết bị điện với điện cực nối đất.
Vùng điện áp “không”
Vùng điện áp “không”(Zero Area of Voltage) là vùng ở ngoài phạm vi của vùng tản của dòng điện chạm đất.
Điện trở nối đất
Điện trở nối đất (Resistance of Earthing) là tổng trở với đất của hệ thống nối đất bao gồm dây nối đất, điện cực nối đất.
Dòng điện chạm đất
Dòng điện chạm đất (Earth Fault Current) là dòng điện truyền xuống đất qua điểm chạm đất. Dòng điện chạm đất lớn là thiết bị có điện áp cao trên 1kV và dòng điện chạm đất 1 pha lớn hơn 500A. Dòng điện chạm đất nhỏ là thiết bị có điện áp cao trên 1kV và dòng điện chạm đất 1 pha nhỏ hơn hay bằng 500A.
Chế độ nối đất trung tính
Nối đất trung tính (Neutral of Power System) của các máy biến áp điện áp trên 1kV có 2 loại:
- Trung tính nối đất trực tiếp là điểm trung tính của máy biến áp hoặc của máy phát điện được nối trực tiếp với trang bị nối đất hoặc được nối với đất qua một điện trở nhỏ (ví dụ như máy biến dòng, v.v.).
- Trung tính cách ly là điểm trung tính của máy biến áp hoặc của máy phát điện không được nối với trang bị nối đất hoặc được nối với trang bị nối đất qua các thiết bị tín hiệu, đo lường, bảo vệ, cuộn dập hồ quang được nối đất hoặc thiết bị tương tự khác có điện trở lớn.
- Trung tính nối đất hiệu quả là trung tính của mạng điện 3 pha điện áp trên 1kV có hệ số quá điện áp khi ngắn mạch chạm đất không lớn hơn 1,4.
Hệ số quá điện áp khi ngắn mạch chạm đất xảy ra trong mạng điện 3 pha là tỷ số giữa điện áp của pha không bị sự cố (không chạm đất) sau thời điểm xảy ra sự cố ngắn mạch chạm đất và điện áp của pha đó trước khi ngắn mạch chạm đất.
Dây trung tính
Dây trung tính (Neutral Conductor) là dây dẫn nối trực tiếp với điểm trung tính của máy biến áp hoặc của máy phát điện. Dây trung tính phải có cách điện tương đương với cách điện của dây pha. Dây trung tính trong lưới 3 pha 4 dây phải có độ dẫn điện không nhỏ hơn 50% độ dẫn diện của dây pha.
Dây trung tính làm việc (còn gọi là dây “không” làm việc) là dây dẫn để cấp điện cho thiết bị điện:
- Trong lưới điện 3-pha-4-dây, dây này được nối với điểm trung tính nối đất trực tiếp của máy biến áp hoặc máy phát điện;
- Với nguồn điện 1 pha, dây này được nối vào điểm giữa của pha đơn của nguồn điện và được nối đất;
- Với nguồn điện một chiều, dây này được nối vào điểm giữa được nối đất của nguồn cấp. Đây cũng là dây cân bằng có nhiệm vụ dẫn dòng điện về khi phụ tải trên các đầu cực không cân bằng.
Dây bảo vệ tiếp đất ở các thiết bị điện đến 1kV là dây dẫn để nối những bộ phận cần nối với điểm trung tính nối đất của máy biến áp hoặc máy phát trong lưới điện 3 pha. Dây trung tính có thể sử dụng làm dây bảo vệ tiếp đất.
Chuyên mục tham khảo: Kiến thức điện
Bài viết tham khảo: Yêu cầu về chất lượng điện tại Việt Nam QCVN: 2015/BTC
Bài viết tham khảo: Tổng hợp kiến thức về công suất – hệ số công suất bạn cần biết!
Bài viết tham khảo: Tổng hợp kiến thức về dòng điện và điện áp!
Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc hay cần tư vấn về thiết bị dịch vụ vui lòng comment phía dưới hoặc Liên hệ chúng tôi!
Chúng tôi luôn sẵn sàng đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng!